5 món gỏi nổi tiếng từ Bắc vào Nam
Gỏi là một món dễ làm, dễ ăn và thường được chế biến nhiều vào mùa hè vì thanh mát. Cùng điểm danh 5 món gỏi đặc sản khắp mọi miền đất nước nhé.
1. Gỏi cá mè Hiệp Hoà – Bắc Giang
Bên cạnh các các chế biến như kho, rán, nấu canh chua… thì ở Hiệp Hoà, Bắc Giang, người ta còn mang cá mè đi làm gỏi. Nhờ được nuôi tự nhiên mà cá mè ở đây mềm béo và ngọt thịt. Sau khi được mang đi rửa sạch, bóc mang, bỏ ruột, lọc da… thì người ta sẽ dùng dao sắc lạng lấy phần thịt hai bên mình con cá. Sau đó thấm nước để khi thái, miếng thịt cá mè khô ráo và trông không khác gì thịt lợn rồi trộn cùng thính.
Khi pha nước chấm gỏi cá mè (gọi là làm hạt), người ta sẽ mang đầu cá mè đi băm nhỏ. Sau đó cho nước riềng, mẻ, tương, muối vào đun trong lửa nhỏ. Trong quá trình làm hạt, cần khuấy đều tay cho đến khi hạt đặc lại là được. Món gỏi cá mè cũng được ăn cùng với các loại lá như lá mưa, lá sung, khế chua, cúc tần, chuối xanh, lá lốt, tía tô…
2. Gỏi lá – Kon Tum
Tuỳ vào từng thời điểm mà món gỏi lá sẽ được ăn với những loại lá khác nhau. Vào mùa khô, mâm gỏi lá gồm 30 đến 40 loại lá rừng còn khi bắt đầu mùa mưa, các loại lá ăn gỏi sẽ đa dạng hơn, một mâm có từ 60 đến 70 loại. Đặc biệt, trong đó có nhiều loại lá chỉ có ở Tây Nguyên như me rừng, chòi mòi, lá trâm, ngành ngạch đỏ…
Gỏi lá được ăn cùng tôm rang, ba chỉ luộc, nem chạo, đậu phộng rang… và chấm cùng một loại nước chấm đặc biệt. Để làm được nước chấm gỏi lá, người ta sẽ cho gạo nếp lên men ủ cùng ba chỉ, tôm khô rồi mang xay nhuyễn. Sau đó, người đó sẽ phi thơm hành, cho hỗn hợp này vào và sa tế, mẻ…
3. Gỏi gà măng cụt – Bình Dương
Gỏi gà măng cụt là món ăn đặc sắc của Bình Dương nhưng chỉ có trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, tức thời điểm măng cụt đang vào vụ. Sự kết hợp này với một số người có phần lạ tai nhưng không ít người lại thấy ghiền.
Nhờ có phần thịt bên trong chắc thịt, giòn ngon, vừa có vị chua dịu vừa có chút chan chát lạ miệng nên người ta thường sử dụng măng cụt vỏ da xanh để chế biến món gỏi gà măng cụt. Sau khi đã khéo léo lấy được phần thịt măng cụt bên trong, họ sẽ ngâm chanh để măng cụt giữ độ giòn và bớt đi vị đắng chát.
Thịt gà để làm gỏi cũng phải là loại gà đồi, thịt mềm và săn chắc. Sau khi được luộc chín, gà được mang đi xé nhỏ hoặc chặt miếng vừa ăn rồi trộn cùng muối tiêu, nước mắm chua ngọt. Ngoài hai nguyên liệu chính là thịt gà và măng cụt, người ta sẽ trộn thêm cà rốt thái sợi, đậu phộng rang, rau răm, hành phi… để món ăn ngon và bắt mắt hơn.
4. Gỏi sầu đâu – An Giang
Gỏi sầu đâu là món gỏi đặc trưng của miền Tây, đặc biệt là An giang. Nguyên liệu chế biến món gỏi sầu đâu khá đơn giản, chỉ cần vài chiếc lá sầu đâu non, xoài, dưa, thịt ba chỉ luộc hay cá khô nướng chín… là được. Tuy nhiên thời điểm ăn gỏi sầu đầu ngon nhất là từ tháng 11 đến khoảng tháng 3 âm lịch, khi sầu đâu có nhiều lá non và hoa. Thế nhưng để món ăn dễ ăn thì người đầu bếp sẽ phải sơ chế và chế biến các nguyên liệu thật khéo léo.
Vì lá sầu đâu có vị đắng nên sau khi được rửa sạch, họ sẽ mang đi chần sơ và ướp trong nước đá để nguyên liệu bớt vị đắng nhưng vẫn giữ được vị giòn, ngon. Mặc dù khi ăn lần đầu, nhiều người sẽ nhăn mặt vì món gỏi có vị đắng, thế nhưng ngay sau đó có thể “bị nghiện” nhờ kết hợp với bị bùi béo, ngọt thơm của các nguyên liệu khác.
5. Gỏi cá trích – Phú Quốc
Khi chuẩn bị nguyên liệu, người ta sẽ chọn những con cá thật tươi để thịt thơm, ngọt béo và ít tanh. Cá trích sau khi đã được làm sạch và cắt bỏ đầu, đuôi, ruột… thì sẽ được lóc lấy phần thịt hai bên.
Để món ăn này hấp dẫn hơn, người ta sẽ trộn cùng nhiều nguyên liệu khác như tỏi băm phi vàng, hành tây thái mỏng, cà rốt thái sợi, dừa nạo, ngò rí… và một loại sốt chua đặc biệt làm từ dấm nuôi bằng ổi chín. Khi ăn, người ta sẽ gói gỏi cá trích cùng bánh tráng, rau sống và chấm nước mắm pha.
Xem thêm